SEO Audit là gì? Cách audit 1 website thế nào?

SEO Audit là gì? Cách audit 1 website thế nào?

SEO Audit là gì vậy? Có cần thiết hay không? Cách thức tiến hành như thế nào?

Những câu hỏi trên bạn sẽ gặp phải khi muốn tối ưu hóa cho website. Có thể đó là trang web của công ty bạn, và bạn muốn tự thực hiện để làm online marketing, phục vụ cho việc giới thiệu quảng bá thương hiệu, và hỗ trợ bán hàng.

Cũng có thể bạn là dân SEO, và khi chuẩn bị nhận dự án mới, phải làm audit để thuyết trình với khách hàng tiềm năng. Bạn cần “khám bệnh” cho website của khách, cho xem kết quả, để họ biết được thực trạng, từ đó mới đưa ra giải pháp trong gói dịch vụ của mình.

Dù là trường hợp nào, thì cũng cần hiểu rõ SEO Audit là gì và cách thực hiện cho hiệu quả.

Và đó cũng là những nội dung chính tôi trình bày trong bài viết này. Bài viết khá dài, nên bạn có thể xem trước mục lục cho tiện theo dõi.

NỘI DUNG CHÍNH

  • SEO Audit là gì?
  • Khi nào nên làm SEO Audit?
  • Kiểm tra, chấm nhanh điểm SEO hiện tại của trang web
  • Bước 1: SEO Audit về mặt kỹ thuật
  • Bước 2: SEO Audit các yếu tố trên trang (On-Page)
  • Bước 3: SEO Audit các yếu tố ngoài trang (Off-Page)
  • Lời kết

Giờ tôi sẽ thảo luận từng nội dung chi tiết, bắt đầu bằng khái niệm…

SEO Audit là gì?

SEO Audit là quá trình kiểm tra đánh giá thực trạng của website đã được tối ưu hóa đến đâu, dựa trên nhiều tiêu chí liên quan. Qua đó cũng có thể đánh giá được mức độ thân thiện của trang web với công cụ tìm kiếm, cũng như với người dùng.

Có thể ví SEO Audit như việc “khám bệnh” cho website vậy. Kiểm tra để xem “sức khỏe” của trang web có tốt không, và đưa ra những phương án “chữa bệnh”.

Thuật ngữ SEO Audit xuất phát từ tiếng Anh, có thể dịch nguyên nghĩa là “Kiểm toán việc tối ưu hóa với công cụ tìm kiếm”. Nhưng như vậy thì hơi dài dòng, mà cũng chưa thoát nghĩa, lại dễ bị nhầm sang lĩnh vực kiểm toán tài chính. Do đó theo tôi, có thể tạm dịch là “khảo sát SEO”, hoặc cứ dùng nguyên từ tiếng Anh (như trong bài này) là được.

Khóa học SEO Online – Học SEO từ Cơ bản đến Nâng cao của Mr.Đình Tỉnh

Việc kiểm tra có thể do chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) muốn tìm hiểu và tự làm cho trang web của công ty mình, thường là web nhỏ, với ngân sách ít. Cùng với đó, phần nhiều việc audit này do công ty cung cấp dịch vụ SEO chuyên nghiệp thực hiện cho các khách hàng.

Sau khi kiểm tra, người thực hiện sẽ đưa là khuyến nghị về những việc cần làm để tăng tính thân thiện của website, từ đó cải thiện thứ hạng trong kết quả tìm kiếm.

Dưới đây là minh họa tầm quan trọng của các tiêu chí đánh giá thứ hạng của website. Một số tiêu chí sẽ được xem xét kỹ trong nội dung bài viết này.

Các tiêu chí xếp hạng website

Khi nào nên làm SEO Audit?

Nếu bạn là chủ website, thì nên thực hiện càng sớm càng có lợi. Có thể làm lần đầu tiên khi xây dựng xong trang web. Sau đó nếu có điều kiện, thì làm định kỳ khoảng 6 tháng – 1 năm 1 lần.

Nếu là công ty dịch vụ (SEO Agency), bạn nên cân nhắc thời điểm và phạm vi thực hiện công việc SEO Audit này. Cụ thể:

  • Nếu đang tiếp cận khách hàng, chưa chốt hợp đồng, thì việc này chỉ cần thực hiện nhanh chóng và mức độ sơ bộ. Nghĩa là bạn chỉ khảo sát qua thực trạng, xác định những “lỗi” và “khuyết điểm” của website, hiện đang cản trở việc tối ưu hóa và thứ hạng của trang web đó. Căn cứ theo kết quả sơ bộ, bạn có thể làm việc với khách hàng để giới thiệu và chào gói dịch vụ phù hợp. Tất nhiên, ở bước chào hàng và giải thích này, bạn chưa cần phải bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu website một cách sâu sắc và toàn diện. Khách hàng chưa cần nhiều thông tin đến vậy, và bạn cũng chưa chắc chốt được hợp đồng dịch vụ, nên chỉ dừng lại ở kết quả khảo sát sơ bộ là tạm đủ cho việc thương thảo giữa hai bên. Theo kinh nghiệm và quan điểm cá nhân, tôi không muốn và không ủng hộ việc cung cấp miễn phí cho khách hàng kết quả Audit toàn diện, tại thời điểm chào dịch vụ. Rõ ràng, việc Audit toàn diện mất thời gian, công sức, chi phí, và cả chất xám, nên không nên cho đi một cách đơn giản dễ dàng như vậy được. Hãy để việc đó cho trường hợp tiếp theo dưới đây.
  • Nhưng ở bước triển khai hợp đồng SEO đã ký kết, thì việc khảo sát phải thực hiện kỹ lưỡng, toàn diện, với tất cả các kỹ thuật cần thiết. Có như vậy thì bạn mới “chẩn đoán bệnh” được chính xác, từ đó mới đưa ra được “phác đồ điều trị” hợp lý, hiệu quả. Rõ ràng, đây là trách nhiệm của người thực hiện hợp đồng, để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Và ở bước này, bạn cũng không còn ngại bị “phí công”, vì hợp đồng đã ký kết nên có sự ràng buộc cao, và thường thì khách hàng cũng đã tạm ứng một số tiền nhất định rồi.

Ngoài 2 trường hợp nêu trên, nếu có điều kiện bạn vẫn nên thực hiện việc Audit lại cho website theo định kỳ. Như vậy sẽ giúp cập nhật, chỉnh sửa, và tối ưu không bị lạc hậu, ít nhất là với xu hướng công nghệ, và các thuật toán mà các công cụ tìm kiếm đưa ra (khá thường xuyên).

Lý thuyết là như vậy, nhưng thực lòng mà nói, thì việc Audit định kỳ cũng không phải lúc nào cũng dễ thực hiện, bởi một vài lý do:

  • Đứng ở vai trò chủ website, bạn thường không có nhiều thời gian, hay không đủ kỹ năng để thực hiện nhiều lần (vì nếu tự mày mò làm xong 1 lần thì để mấy tháng lại quên cách làm, nếu muốn làm lại phải nghiên cứu lại, rất ngại!). Nếu phải thuê dịch vụ ngoài, khi đã tất toán hợp đồng, thì có thể sẽ mất thêm tiền nếu muốn thuê đối tác làm audit lại. Chi phí là yếu tố cản trở cho việc “tái khám” trang thông tin điện tử của bạn.
  • Nếu bạn là công ty dịch vụ, thì như tôi vừa nói ở trên, khi hoàn tất hợp đồng SEO và bàn giao lại cho khách hàng, bạn cũng không có động lực và cũng không muốn làm miễn phí việc Audit lại website của khách, trừ trường hợp đặc biệt. Bạn còn phải tiếp tục thực hiện những hợp đồng khác đang triển khai, nên thời gian cũng là trở ngạikhông thể SEO Audit định kỳ và free cho khách hàng cũ. Kinh doanh là như vậy, và trong lĩnh vực SEO cũng không ngoại lệ.

Kho khăn tôi vừa nêu là rất thực tế. Nó cũng tương tự như việc khám sức khỏe cho chính chúng ta. Bạn có biết bác sĩ khuyên cần khám bệnh định kỳ, ít nhất là mỗi năm 1 lần. Mà đúng là cần thiết thật. Nhưng có rất nhiều người trong chúng ta không làm được như lời bác sĩ.

Trong SEO Audit cho website cũng y hệt như vậy.

Nói như trên tôi không hề có ý khuyên bạn không nên làm. Mà chỉ là để thấy các mặt của vấn đề. Trường hợp tối ưu, bạn audit định kỳ được là tốt nhất, tất nhiên nếu có khả năng thực hiện, hoặc thuê dịch vụ làm.

Tùy bạn quyết định nhé.

Để đơn giản, nếu bạn muốn làm nhanh, hãy dùng phương pháp lượng hóa để đánh giá mức độ tối ưu của trang web. Đây là việc đầu tiên và khái quát nhanh mức độ…

Kiểm tra, chấm điểm SEO hiện tại của trang web

Dùng công cụ như SEO SiteCheckup phân nhóm dữ liệu và chấm điểm SEO. Ứng dụng này cho kiểm tra miễn phí một website mỗi ngày, hoặc đăng ký tài khoản để check nhiều hơn. Đây cũng là cách Audit tự động bằng công cụ. Qua đó bạn nhìn thấy những gì đã làm được, hoặc chưa làm tốt, hoặc bị lỗi SEO.

Chấm điểm SEO Audit đạt 64/100

Check thử trang dưới được 64/100 điểm

Bạn cũng có thể sử dụng công cụ sau để chấm điểm:

Dùng công cụ tự động như trên rất tiện, phù hợp khi bạn cần nhanh kết quả sơ bộ để tiếp cận khách hàng mới. Nhưng để có kết quả chi tiết và toàn diện hơn, bạn cần biết thêm cách thực hiện SEO Audit thủ công.

Và quá trình SEO Audit thủ công sẽ gồm những bước chính như dưới đây. Tôi muốn tóm lược theo thứ tự: từ tổng quát đến cụ thể (site => page), sau đó là từ trong trang ra ngoài trang (onpage => offpage) để dễ nhớ và tiện theo dõi.

  1. SEO Audit về mặt kỹ thuật chung
  2. SEO Audit với các yếu tố On-Page
  3. SEO Audit với các yếu tố Off-Page

Trong phần này, tôi sẽ trình bày tất cả các bước liên quan đến việc làm SEO Audit một cách toàn diện. Trường hợp bạn chỉ khảo sát sơ bộ (bước chào dịch vụ SEO cho khách nêu ở trên), thì lựa một vài bước nào đó nhanh chóng cho kết quả ban đầu. Hoặc khi cần Audit định kỳ, thì bỏ đi những bước không cần phải lặp lại. Tùy trường hợp mà linh hoạt áp dụng nhé.

Ghi chú: Trong bài này là cách làm mà tôi đã nghiên cứu, đúc kết, và thực hiện cho khách hàng của Carly. Khi nhận được hợp đồng SEO mới, tôi sẽ triển khai những bước công việc như trình bày dưới đây. Tất nhiên, bạn có thể tham khảo và cũng nên cải biên cho phù hợp với trường hợp cụ thể của mình.

Bước 1: SEO Audit về mặt kỹ thuật

Bước này gồm các hạng mục chung về kỹ thuật, chủ yếu trên phạm vi toàn website, hoặc trong phần mã code của bài viết. Thường thì người dùng không, hoặc ít để ý thấy những yếu tố này, nếu chỉ đọc nội dung theo cách thông thường.

Website có bị Google phạt hay cấm không?

Với trang web bị phạt hoặc cấm, thì quả là một điều bất lợi và rất khó khăn cho việc làm SEO. Bạn có thể kiểm tra ngay xem hiện có bao nhiêu trang con được xếp chỉ mục (index).

Nhập tên miền vào ô tìm kiếm của Google, với cú pháp như sau:

site:tenmien.com

Nếu kết quả không tìm thấy trang nào, thì hoặc là website mới vừa xây dựng xong (Google chưa biết), hoặc là đã bị phạt (penalty) hay bị cấm (ban).

Website bị Google phạt hoặc cấm

Website bị Google phạt hoặc cấm

Một khi đã vào tình huống xấu, bạn cần nghiên cứu kỹ xem vì lỗi gì mà bị phạt hay cấm. Tùy trường hợp cụ thể mà đưa ra giải pháp khắc phục.

Như tôi được biết, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ SEO sẽ từ chối làm cho trang web bị phạt hoặc cấm. Tất nhiên sẽ loại trừ trường hợp họ tự tin vào khả năng giải cứu của mình, và được trả phí dịch vụ thỏa đáng (rất cao).

Website đã được đăng ký với Google Search Console?

Google Search Console, trước đây là Google Webmaster Tool, là công cụ miễn phí nhưng vô cùng hữu ích giúp quản trị viên hiểu rõ về website.

Công cụ này cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin quan trọng thông qua các tùy chọn và báo cáo. Chẳng hạn như:

  • Có bao nhiêu trang con (pages) đã submit cho Google và bao nhiêu trang thực tế đã được lập chỉ mục (index).
  • Trang web của bạn đang được xếp hạng với những cụm từ khóa nào.
  • Những từ khóa nào đem lại truy cập từ Google.
  • Những vấn đề về an ninh hay lập chỉ mục mà website đang gặp phải.
  • Đánh giá tính khả dụng trên di động.
  • Và nhiều thông tin khác nữa…

Ghi chú: Bạn cũng nên đăng ký với Bing Webmaster Tools, tương tự như Google, để có thêm 1 kênh quản trị khác cho trang của mình.

Bạn đã chèn mã Google Analytics chưa?

Thêm một công cụ miễn phí không thể bỏ qua của Google. Đưa 1 đoạn mã do Google cung cấp vào thẻ <head>, và bạn sẽ theo dõi được vô số những chỉ số liên quan đến hành vi người dùng trên website.

Trong đó không thể không kể đến:

  • Số lượng người truy cập, tỉ lệ mới và quay lại bao nhiêu %
  • Số phiên truy cập, thời lượng bình quân mỗi phiên
  • Tỉ lệ bỏ trang, thoát trang
  • Tỉ lệ chuyển đổi

Bạn đã chọn phương án có hay không có www trước tên miền trong Google Search Console chưa?

Với mỗi tên miền, Google coi có hay không có www trước tên miền đó là 2 trang web khác nhau. Ví dụ với trang của tôi, 2 phương án dưới đây trong mắt Google là 2 trang riêng biệt:

Giáo trình hay

Giáo trình hay

Để tránh bị đánh lỗi trùng lặp nội dung, bạn nên chọn 1 phương án tên miền ưu tiên, cả trong Google Search Console lẫn trong thiết lập cấu hình website. Đồng thời, đừng quên trỏ tên miền còn lại về phương án bạn đã chọn.

Để kiểm tra, bạn gõ cả 2 phương án nêu trên (có và không có www) vào trình duyệt. Nếu làm theo 2 cách và đều trỏ về phương án bạn đã chọn, thì là đạt yêu cầu. Còn nếu không, thì bạn phải xem bị lỗi ở đâu, và có thể phải thực hiện lại thao tác lựa chọn phương án ưu tiên.

Website đã có chứng chỉ SSL và sử dụng giao thức https chưa?

Thử gõ tên miền có giao thức https, nếu hoạt động bình thường nghĩa là trang web đã có chứng chỉ SSL. Nếu không có, bạn sẽ thấy báo lỗi.

Với giao thức http, bạn sẽ thấy phía trái thanh địa chỉ cụm từ “Not secure” (Không bảo mật).

Khi đã có chứng chỉ SSL bạn cũng cần thực hiện phương án trỏ http về https. Thông thường, công cụ quản lý hosting (như Plesk với ngôn ngữ ASP.net, hay cPanel với PHP) sẽ có sẵn tùy chọn hỗ trợ khá đơn giản và nhanh chóng.

Thử nhập cả 2 phương án, nếu đều trỏ về https nghĩa là đã ok.

http://carly.com.vn/
https://carly.com.vn/

Ghi chú: một số nhà cung cấp hosting cho miễn phí SSL certificate, như đề cập đến trong Let’s Encrypt. Nếu cần, bạn hãy thử liên hệ hỏi nhà cung cấp hosting của bạn.

File sitemap.xml đã được dùng và tối ưu chưa?

Đây là danh sách các trang con trên website mà bạn muốn Google biết và lập chỉ mục. Tất nhiên bạn không nhất thiết phải đưa tất cả các trang con vào, mà chỉ cần đưa những trang quan trọng.

Mục đích chính của file này là để hướng dẫn cho công cụ tìm kiếm về sơ đồ trang web của bạn. Nó được lập dưới dạng .xml và có cấu trúc nhất định.

Bạn cần đặt trong thư mục gốc của website, đồng thời cũng submit cho Google (chỉ cần làm 1 lần đầu). File sitemap.xml cũng cần được tạo đúng cách và tối ưu hóa để tăng hiệu quả SEO.

File robots.txt đã tối ưu hóa chưa?

Đây là file dạng text và cũng được đưa vào thư mục gốc (root) của trang web, quy định trang nào được dò tìm bởi các công cụ tìm kiếm.

Tình trạng không có file này, hoặc có nhưng chưa được tối ưu, cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến mức độ thân thiện của website. Vì vậy, bạn cần cài đặt và tối ưu file robots.txt.

Đã áp dụng dữ liệu có cấu trúc chưa?

Dữ liệu có cấu trúc (Structured Data) là dạng dữ liệu được tổ chức và phân loại theo một cấu trúc xác định từ trước, được tạo ra nhằm lưu trữ và truyền đạt thông tin.

Bằng việc sử dụng dữ liệu có cấu trúc trong 1 trang, bạn giúp Google hiểu ý nghĩa và văn cảnh của nội dung mà bạn muốn trang đó truyền tải. Điều đó có lợi cho thứ hạng của trang.

Trong quá trình làm SEO Audit, bạn cần kiểm tra xem đã đưa Structured Data vào những trang sau hay chưa:

  • Trang chủ (Logo, Website and Company)
  • Menu dẫn hướng (Breadcrumb)
  • Các trang bài viết (Articles)
  • Các trang sản phẩm (Product Pages)

Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách thức Google hỗ trợ dữ liệu có cấu trúc.

Đã sử dụng URL Canonical chưa?

URL Canonical giúp Google xác định được những trang quan trọng nhất trên website của bạn. Ngoài ra công cụ này còn hỗ trợ các quản trị viên giải quyết vấn đề các trang có nội dung tương tự hoặc trùng lặp.

Mỗi trang trên website của bạn đều cần được chỉ định rõ 1 URL Canonical, để đạt hiệu quả SEO. Đọc thêm quy định của Google tại đây.

Trang 404 đã có và được tối ưu chưa?

Trang này sẽ được hiển thị mỗi khi trình duyệt không tìm thấy trang tương ứng với URL người dùng đang nhập.

Nếu không có trang 404 thì thông báo trả về sẽ rất kém thân thiện như hình dưới.

Lỗi 404 - không tìm thấy trang - không thân thiện

Vì vậy cần có 1 trang được lập trình giao diện trước cho bắt mắt hơn. Trang này cũng cần được tối ưu hóa để có thể dẫn hướng người dùng đến trang khác trên website, giữ họ lại nếu không họ sẽ bỏ sang website khác. Điều đó giúp cải thiện trải nghiệm người dùng và tăng thời gian xem trang.

Tốc độ website của bạn có đủ nhanh không?

Tốc độ tải trang, nhất là trên thiết bị di động, là một yếu tố rất quan trọng trong việc tối ưu hóa với công cụ tìm kiếm, cũng như với trải nghiệm người dùng.

Trong bước Audit này, bạn có thể dùng Google PageSpeed ​​Insights. Chỉ cần gõ domain và nhấn enter, bạn sẽ thấy kết quả bằng số điểm chung, và những giải pháp gợi ý giúp bạn chỉnh sửa để tăng tốc độ của trang.

Điểm đánh giá tốc độ tải trang 68/100

Tuy nhiên, những giải pháp được khuyến nghị sẽ hơi khó thực hiện, nhất là với những người không có chuyên môn kỹ thuật hay lập trình. Chẳng hạn như:

  • Nén toàn bộ ảnh, có thể bằng công cụ miễn phí như optimizilla or squoosh để giảm dung lượng mà không ảnh hưởng chất lượng ảnh.
  • Tối giản nội dung CSS và HTML để giảm kích thước file.
  • Gỡ bỏ những đoạn code hoặc file Javascript không cần thiết.
  • Cập nhật bản PHP hay ASP.NET mới nhất…

Nếu bạn thấy không “tải nổi” những công việc trên, thì nên nghĩ đến việc thuê công ty lập trình website hoặc dịch vụ SEO chuyên nghiệp làm cho bạn việc này.

Ngoài công cụ Google nêu trên, bạn cũng có thể sử dụng những công cụ khác để đo và cải thiện tốc độ website:

  • WebPageTest.org
  • GTMetrix

Website của bạn có thân thiện với thiết bị di động không?

Thiết bị di động ngày càng phổ biến và lượng truy cập từ các thiết bị này sẽ ngày càng quan trọng với các website.

Tuy vậy, không phải tất cả các website xây dựng xong đã thân thiện với thiết bị di động. Và nếu không, thì web của bạn đang bị lãng phí lượng truy cập cũng như thứ hạng.

Cách kiểm tra cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng công cụ Google Mobile First Index, gõ tên miền và bạn sẽ biết web của mình có đạt yêu cầu hay không. Đồng thời bạn cũng nên làm theo những gợi ý đi kèm.

Trang web thân thiện với mobile

Kết quả đạt yêu cầu: web thân thiện với mobile

Cấu trúc website đã tối ưu chưa?

Trang web cần có cấu trúc rõ ràng về nội dung. Như vậy sẽ tăng trải nghiệm tích cực với người dùng cũng như tăng tính thân thiện với công cụ tìm kiếm.

Bạn nên kiểm tra những chi tiết sau:

Website đã có cấu trúc rõ ràng về nội dung chưa? Bất cứ trang con nào cũng có thể truy cập mà không nên quá 3 lần nhấp chuột từ trang chủ.
Nội dung quan trọng đã được đưa vào các trang bài viết, và các trang đó đã được phân thành các danh mục liên quan chưa?
Trang web đã có những trang phổ biến như: giới thiệu, liên hệ, chính sách riêng tư… hay chưa?

Nếu trang web có nhiều ngôn ngữ, bạn đã dùng biện pháp tránh lỗi trùng lặp nội dung chưa?

Nếu trang web của bạn có nhiều ngôn ngữ, chẳng hạn tiếng Việt và tiếng Anh, thì cần thiết lập một số chi tiết. Mục đích là để tránh bị Google đánh lỗi trùng lặp khi cùng một nội dung được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

Để tìm hiểu chi tiết hơn, bạn đọc thêm hướng dẫn của Google.

Cân nhắc việc sử dụng Accelerated Mobile Pages (AMP)

Accelerated Mobile Pages (AMP) là cách thức mới tạo các trang phù hợp cho thiết bị di động. Google và nhiều công ty khác đã tạo ra và hỗ trợ cách thức này.

Ưu điểm là các trang AMP tải nhanh hơn các trang HTML thông thường. Nhưng nhược điểm lại là sự hạn chế một số chức năng sử dụng.

Hiện vẫn đang có sự tranh cãi trong lĩnh vực SEO xem liệu có nên ứng dụng AMP triệt để vào các website hay không. Cá nhân tôi thì vẫn đang nghiên cứu và quan sát, bởi vẫn chưa thấy thực sự thuyết phục về lợi ích mà AMP mang lại, trong khi phải đầu tư khá nhiều trong việc áp dụng hoặc sửa đổi code cho phù hợp. Hơn nữa, những “ông lớn” như Google, Facebook chưa thấy áp dụng thì tôi nghĩ chưa chưa cần thiết lắm.

Tạm thời, nếu chưa chắc chắn, bạn có thể bỏ ngỏ chi tiết này.

Bước 2: SEO Audit các yếu tố trên trang (On-Page)

Kiểm tra URL xem đã thân thiện chưa

URL là chuỗi ký tự trên ô địa chỉ của trình duyệt. Mỗi trang con trong website đều có 1 URL riêng. Và việc bạn cần làm là đảm chuỗi ký tự này thân thiện với con người, chứ không phải chỉ để cho trình duyệt hiểu.

Một cách tự nhiên, nếu nhìn vào URL và bạn có thể hình dung được sơ bộ chủ đề chính của trang đó, thì nghĩa là đạt yêu cầu. Còn nếu bạn chẳng đoán được trang đó sẽ nói về cái gì, thì chưa đạt, và cần phải tối ưu.

URL thế này là thân thiện:

URL thân thiện với người dùng

Còn thế này là chưa ổn, cần được tối ưu:

URL không thân thiện

Kiểm tra menu Breadcrumb

Breadcrumb là menu dẫn hướng gồm các đường link thể hiện sự phân cấp từ trang chủ đến trang hiện tại. Nhìn vào đó, người dùng biết mình đang ở vị trí nào trong cấu trúc nội dung của website. Người dùng cũng có thể chuyển đến cấp cao hơn qua các link tương ứng.

Thẻ này thường đặt ở dưới banner chính, phía trên nội dung chính của trang.

Breadcrumb menu gồm các liên kết rõ ràng

Breadcrumb rất rõ ràng trên Lazada

Google khuyến khích các website sử dụng breadcrumb, vì nó giúp việc di chuyển giữa các trang dễ dàng hơn cho người sử dụng.

Vì vậy, bạn nên kiểm tra để đảm bảo website của mình được bố trí breadcrumb hợp lý.

Kiểm tra và tối ưu các thẻ Titles và Descriptions

Để biết tối ưu hay chưa, bạn thử trả lời một số câu hỏi sau:

  • Nội dung thẻ Tiêu đề trang (Title) và mô tả trang (Description) có độc đáo không?
  • Độ dài có trong phạm vi cho phép, và không quá ngắn không?
  • Chỉ đọc tiêu đề trang, bạn có hình dung được chủ đề của trang đó không?
  • Khi đọc nội dung phần mô tả, bạn có thấy đủ hấp dẫn cho người tìm thông tin chưa?

Nếu chưa thấy đạt yêu cầu, bạn cần chỉnh sửa để lôi kéo người đọc, và giành điểm với công cụ tìm kiếm.

Kiểm tra các tiêu đề (Heading) và định dạng văn bản

Các thẻ tiêu đề giúp người đọc nhận diện bố cục bài viết dễ dàng hơn. Vì vậy, bạn nên kiểm tra xem đã có đầy đủ các tiêu đề từ H1 đến H3 hay chưa? Nếu phù hợp, thì nên dùng thêm thẻ chi tiết hơn, từ H4 đến H6.

Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra xem đã dùng các định dạng bôi đậm (thẻ <strong>) hoặc in nghiêng (thẻ <em>) để nhấn mạnh những nội dung quan trọng hay chưa. Kết hợp với các danh sách có đánh số (thẻ <ol>) hay không đánh số (thẻ <ul>) sẽ giúp phần nội dung được trình bày rõ ràng, và dễ theo dõi cho người đọc.

Vị trí và tần suất của từ khóa (Keyword) trong phần nội dung của trang

Mỗi trang con cần định hướng tập trung cho 1 từ khóa chính (keyword) nào đó. Đây là yếu tố trọng yếu trong SEO.

Bạn cần kiểm tra xem từ khóa đó có xuất hiện đủ và đúng những vị trí cần thiết hay chưa:

  • Xuất hiện trong URL, có thể dùng từ khóa bằng tiếng Việt không dấu.
  • Trong Title, Description của trang, vị trí càng gần đầu càng tốt
  • Trong đoạn đầu của nội dung chính, càng gần vị trí đầu càng có lợi
  • Ít nhất 1 lần trong các tiêu đề Heading, đường link, phần Alt Text của ảnh.

Ngoài ra, cũng cần đếm số lần lặp lại của từ khóa chính, có so sánh với số từ trong trang. Thông thường, trung bình 1 lần nhắc lại từ khóa cho khoảng 100-200 từ là vừa phải.

Kiểm tra SEO hình ảnh (image)

Cần đảm bảo rằng trang viết có hình ảnh và phù hợp với nội dung. Chất lượng là yếu tố hàng đầu.

Ngoài ra, cần tối ưu hóa công dụng của hình ảnh đưa vào, cụ thể:

  • Tên file cần mang tính mô tả rõ ràng về nội dung ảnh. Nếu phù hợp, nên đưa từ khóa vào đó.
  • Tất cả các ảnh đều cần nhập trong Alt Text nội dung mô tả ảnh.
  • Kích thước file không quá lớn, tránh ảnh hưởng đến tốc độ tải trang. Nếu cần, bạn có thể nén hoặc dùng công cụ như tôi đã nêu trong phần Tốc độ tải trang phía trên.

Kiểm tra SEO nội dung

Nội dung trên website cần phải là độc nhất. Vì vậy bạn có thể dùng Copyscape để kiểm tra điều đó. Nếu phát hiện thấy lỗi trùng lặp nội dung, cần gỡ bỏ hoặc tìm cách xóa chỉ mục (de-index) với những trang bị trùng đó.

Dùng Google Analytics xác định những trang có lượng truy cập lớn nhất, và kiểm tra kỹ để chắc chắn rằng những trang này có nội dung chất lượng, không có lỗi chính tả, được định dạng phù hợp, kết hợp mạng xã hội hợp lý, có độ dài phù hợp và được cập nhật định kỳ đều đặn.

Kiểm tra cấu trúc liên kết nội bộ

Link nội bộ giữa các trang giúp người dùng thuận lợi trong việc tiếp nhận nội dung, cũng như công cụ tìm kiếm xác định và lập chỉ mục.

Bạn hãy kiểm tra xem các trang liên quan đã liên kết hợp lý với nhau hay chưa, bằng cách xem xét những chi tiết sau:

  • Bạn không chỉ sử dụng từ khóa trong Anchor Text của liên kết nội bộ, mà dùng cả Tiêu đề của trang đích, cũng như những cụm từ không phải là keyword trong Anchor Text.
  • Những trang bạn muốn giành thứ hạng cao hơn có số lượng lớn hơn các liên kết nội bộ.
  • Trang bạn muốn giành thứ hạng cao được liên kết trực tiếp từ trang chủ
  • Đặt 2-10 liên kết nội bộ (phù hợp) trong mỗi trang con.
  • Tất cả các trang cần được liên kết trực tiếp hay gián tiếp từ trang chủ, không để trình trạng “trang mồ côi” (orphan page), khi không được liên kết từ bất kỳ trang nào khác.

Kiểm tra các liên kết bị gãy

Liên kết bị đứt gãy sẽ tạo trải nghiệm tồi tệ cho người dùng, do vậy chắc chắn sẽ không tốt cho SEO.

Bạn cần kiểm tra và loại bỏ những liên kết bị đứt, nếu có. Cách đơn giản, dùng báo cáo ‘Crawl errors’ trong Google Search Console (hoặc công cụ miễn phí như DrLinkCheck hay Broken Link Check) để tìm liên kết đứt vỡ trong website. Sau đó fix lỗi này bằng cách cập nhật lại link đúng, hoặc dùng chuyển hướng 301 Redirect để trỏ về URL đúng.

Kiểm tra tính thân thiện với người dùng

Điều này có thể hơi khó đo đếm, nhưng bạn có thể dùng cảm tính chủ quan của mình để đánh giá. Cũng có thể dựa vào một số gợi ý như:

  • Điều gì xảy ra nếu bạn nhập sai địa chỉ URL? Trang 404 nhìn có thân thiện không?
  • Liệu người dùng có thể tìm thấy nội dung họ cần trong 3 lần nhấp chuột không?
  • Website có giao diện nhất quán xuyên suốt các trang con không?
  • Bạn có thấy sơ đồ trang dành cho người dùng không (user sitemap)?

Bước 3: SEO Audit các yếu tố ngoài trang (Off-Page)

Một bước quan trọng không kém là Audit website dựa trên những yếu tố tác động từ ngoài trang web. Nói cách khác chính là các yếu tố SEO Off-Page.

Tôi sẽ nêu 3 yếu tố chính của SEO Off-Page.

Kiểm tra Backlink

Backlink từ website khác có vai trò như một phiếu bầu cho website của bạn. Càng nhiều backlink chất lượng càng có lợi cho bạn.

Hãy kiểm tra những nội dung sau:

  • Có bao nhiêu domain liên kết đến trang web của bạn? Trong số đó, có những domain nào đáng tin cậy? Những domain nào thuộc diện “độc hại”?
  • Tổng số backlink là bao nhiêu? Trong đó có bao nhiêu liên kết trỏ tới trang chủ, bao nhiêu trỏ tới các trang con?
  • Những trang nào nhận được nhiều backlink nhất?
  • Tỉ lệ liên kết dựa trên từ khóa (keyword based)?
  • Mức độ “độc hại” của từng liên kết là bao nhiêu (chẳng hạn theo thang điểm từ 1 đến 100, đo bằng công cụ SEMrush)?

Có thể sử dụng một số công cụ SEO để kiểm tra backlink:

  • Google Search Console, vào phần báo cáo “Links to your site”
  • Ahref
  • SEMrush

Căn cứ vào kết quả audit, mà bạn có phương án cụ thể để tăng cường xây dựng những backlink tốt, và giảm thiểu hoặc loại bỏ những backlink xấu.

Kiểm tra tương tác trên mạng xã hội

Việc sử dụng các công cụ truyền thông xã hội (Social Media), mà cụ thể là các mạng xã hội, sẽ có tác dụng hỗ trợ rất tốt cho website, cả về lượng truy cập lẫn hiệu ứng SEO.

Vì vậy, khi audit website, bạn cũng đừng quên đánh giá những yếu tố sau:

  • Website của bạn đã hiện diện trên các trang mạng xã hội phổ biến chưa? Ví dụ: Facebook, Youtube, Zalo…?
  • Tần suất cập nhật bài viết trên các trang đó có đủ thường xuyên không?
  • Đã có liên kết qua lại giữa website với các trang đó chưa?
  • Lượng tương tác (Like, Share, Comment, Subscribe…) trên các trang mạng xã hội đó như thế nào?

Nếu chưa có kênh mạng xã hội tốt, thì bạn cần có phương án xây dựng và phát triển, để bổ trợ cho kênh website. Đây cũng là xu hướng đa dạng hóa nguồn truy cập, không bỏ hết trứng vào một giỏ (tìm kiếm từ Google).

Kiểm tra mức độ Local SEO hiện tại

Việc tối ưu hóa website còn được đánh giá hiệu quả trong 1 mảng hẹp hơn, khi người dùng tìm kiếm từ khóa chính kết hợp với địa danh cụ thể (ví dụ như: “khách sạn Hạ Long”, “nhà sách tại Hà Nội”, hay “dịch vụ SEO tại Hải Phòng”).

Bạn đã sử dụng công cụ Google My Business và tối ưu hóa sự hiện diện của công ty mình trên đó chưa?

Nếu chưa thì có thêm việc phải làm rồi nhé.

Ngoài yếu tố trực tuyến, khi làm SEO cho công ty muốn tập trung cung cấp dịch vụ sản phẩm trong phạm vi 1 tỉnh thành nhất định, bạn cũng cần để ý sự hiện diện của thương hiệu đó ngoài thực tế. Những dấu hiệu sau đây cũng hỗ trợ nhiều cho việc làm SEO website. Và vì chúng ở ngoài thực tế, nên tôi xếp vào nhóm SEO Off-Page:

  • Uy tín thương hiệu được ghi nhận trong khu vực tỉnh thành đó như thế nào? Nếu nhiều người biết đến thì việc làm SEO Website sẽ dễ dàng hơn.
  • Công ty có tạo sự hiện diện tốt ngoài thực tế hay không? Ví dụ: Pano áp phích quảng cáo ngoài trời, hay đặt tại các công trình của khách hàng, trên đó có kèm địa chỉ website.

Về SEO Off-Page thì tôi muốn tập trung vào 3 mảng chính nêu trên khi Audit website. Ngoài ra, vẫn có những yếu tố khác không phổ biến và quan trọng lắm, nên tôi không đề cập trong bước Audit, ví dụ: Social Bookmarking, quảng cáo online.

Lời kết

Đến đây thì bài viết cũng đã khá dài. Nếu bạn đọc hết thì có lẽ cũng mất đến 30 phút là ít.

Trong suốt nội dung trên, tôi đã tập trung nhiều vào 3 nhóm công việc khi làm SEO Audit: (1) Phạm vi toàn website – Sitewide, (2) phạm vị trang con – OnPage, và (3) phạm vi ngoài website – OffPage.

Ở đây, tôi chỉ nêu cách kiểm tra để phát hiện những vấn đề mà trang web đang gặp phải. Còn cách khắc phục cụ thể thì chắc các bạn cũng đã tìm thấy trong các bài viết tương ứng mà tôi đặt liên kết.

Nếu bạn muốn có 1 danh sách kiểm tra các hạng mục công việc cho khỏi bỏ sót, thì có thể xem SEO Audit Checklist mà tôi tóm tắt lại.

Đến đây, tôi xin kết thúc bài viết về chủ đề SEO là gì và các bước thực hiện Audit cho website của bạn. Chúc bạn thành công trong việc tối ưu hóa website của mình và khách hàng!

 

Nguyễn Tấn Tài

Nguyễn Tấn Tài Founder/ CEO Giaotrinhhay.com - Giáo Trình Hay Chia Sẻ: Tài liệu SEO website, DIGITAL MARKETING, Ebook CNTT, Mẹo vặt, Phần mềm, Thủ thuật PC và kho tài liệu học tập hữu ích miễn phí.

Bài viết liên quan

Backlink là gì? 5 chiến lược xây dựng backlink hiệu quả

BACKLINK LÀ GÌ? Backlink hiểu đơn giản là liên kết từ website khác trỏ về [...]

20+ lỗi viết Content SEO mà bạn cần tránh khi viết bài

Bài viết SEO chất lượng sẽ giúp bạn dễ dàng có được thứ hạng cao [...]

Đào tạo seo GHẾ MASSAGE thị trường cạnh tranh

Ghế massage là một loại thiết bị chăm sóc sức khỏe tại nhà. Nó là [...]

SEO hosting là gì? Tại sao nhiều người chọn sử dụng SEO hosting?

SEO hosting không phải là hosting giúp SEO website lên top Google nhanh chóng như [...]

Buyer Keyword là gì? từ khóa “có ý định” mua hàng

Định nghĩa về Buyer Keyword Buyer Keyword là những từ khóa xuất phát từ ý [...]

CASE STUDY SEO WEBSITE GHẾ MASSAGE

CASE STUDY SEO WEBSITE GHẾ MASSAGE TOÀN THÂN Chia sẻ với anh em một Case [...]